Ðiêu Thuyền
Ðiêu Thuyền là một trong bốn mỹ nữ tuyệt vời của nước Trung Hoa cổ. Sắc đẹp lộng lẫy của nàng làm cho "trăng phải thẹn". Nàng đàn hát say mê lòng người. Ðiêu Thuyền sống vào đời Hán thời tàn. Lúc bấy giờ, Ðổng Trác làm loạn trong cung đình và có ý chiếm đoạt ngôi Vua, gọi là loạn "Ðổng Trác". Buổi loạn ly, gia đình Ðiêu Thuyền tan nát, cha mẹ nàng bị giặc giết chết. Nàng xin làm con gái nuôi đại thần Vương Doãn.
Ðổng Trác thoạt đầu bằng con đường nịnh hót và lễ vật dâng các nhà quyền quý trong triều, được thăng chức nhanh. Trác thống lĩnh một đạo binh lớn trên 20 vạn quân ở đất Hiệp Tây. Gặp lúc triều đình bị bọn hoạn quan gây rối loạn, Trác kéo quân về triều dẹp tan chúng, rồi lộng hành, đàn áp, giết chóc, gây bao vụ đổ máu thê thảm. Ðường Phi, Thiếu đế bị giết. Là kẻ hiếu sắc mê muội, Trác lăn lóc với các cung nữ. Có lần Trác dẫn quân sĩ bao vây một hội làng, giết sạch đàn ông, con trẻ và bắt về triều tất cả các phụ nữ. Ðổng Trác có một người con nuôi là Lã Bố. Lã Bố là một kiệt tướng song cũng tàn bạo và hiếu sắc không kém bố nuôi. Hai cha con dọc ngang cướp của cải của mọi nhà và tàn sát khủng khiếp. Nhiều quan ngay thẳng trong triều bị chém đầu. Ðại thần Vương Doãn ngày đêm nghĩ mưu kế cứu vãn giang sơn. Một đêm, đi dạo trong vườn nhà, ông nghe tiếng Ðiêu Thuyền khóc nức nở. Nàng nhớ thương cha mẹ, thương cha nuôi, thương đất nước loạn ly. Vương Doãn biết vậy, vô cùng mừng rỡ. Ông định quỳ lạy cô con gái nuôi rồi bàn tính việc lớn. Ðiêu Thuyền kinh hãi đỡ lấy cha, thưa: "Thưa cha, con xin liều thân giúp nước, con sẽ thực hiện tất cả mọi điều cha bảo".
ít hôm sau, Vương Doãn cho người đem châu báu tặng Lã Bố. Lã Bố rất sung sướng, vội đến nhà Vương Doãn tạ ơn. Ông sai bày yến tiệc thết người tướng trẻ. Trong bữa tiệc, ông dùng hết chữ đẹp lời hay ca tụng tài trí Lã Bố. Lã Bố rất hài lòng. Cuối tiệc, Vương Doãn cho thị nữ mời Ðiêu Thuyền ra chuốc rượu Lã Bố. Lã Bố chợt thấy nàng, ngây ngất nhìn giai nhân tuyệt thế. Ðiêu Thuyền e lệ ngồi cạnh cha nuôi. Lã Bố vừa say rượu nồng vừa say người đẹp. Mấy khắc trôi qua, Ðiêu Thuyền đã mạnh dạn, đôi mắt nàng long lanh liếc nhìn Lã Bố. Vương Doãn nói: "Ðiêu Thuyền là con gái lão, còn đợi người xứng đáng. Nếu tướng quân ưng, lão sẽ cho con bé về hầu hạ tướng quân". Ðược lời vàng ngọc ấy, Lã Bố đứng dậy bái tạ đại thần, hẹn ngày tốt sẽ đến đón giai nhân. Ngay ngày hôm sau, Vương Doãn mời Ðổng Trác đến nhà dự tiệc. Vẫn cảnh hôm trước diễn lại y hệt. Vẫn những lời ca tụng nồng nhiệt của Vương Doãn; cuối tiệc vẫn vẻ bẽn lẽn của Ðiêu Thuyền và vẫn hai làn sóng mắt của nàng liếc nhìn Ðổng Trác. Và vẫn lời Vương Doãn hứa với Ðổng Trác sẽ cho Ðiêu Thuyền về làm thiếp. Song, có điều khắc khiến hai cha con Vương Doãn bất ngờ, là Ðổng Trác muốn đưa ngay Ðiêu Thuyền về dinh phủ của mình. Tức thì, một đoàn xe mã rước giai nhân về phủ trướng.
Ngay ngày hôm sau, Lã Bố đến nhà Vương Doãn hỏi cho ra lý lẽ, vừa thất vọng, vừa đe doạ. Vị đại thần trách trước: "Tướng công không giữ kín chuyện, để Thái sư Ðổng Trác biết tôi có con Ðiêu Thuyền, cho người đến bắt đi". Lã Bố ngượng ngùng ra về. Chàng đến ngay phủ trướng, thấy Ðiêu Thuyền đang trang điểm trước bàn, hương hoa thơm ngát. Chàng nhìn Ðiêu Thuyền, ruột đau như cắt. Ðiêu Thuyền vội ôm mặt khóc. Nàng khẽ nói: "Chàng tệ bạc; nó còn ngủ lăn lóc trong trướng kia; chàng là một dũng tướng mà để nó cướp vợ, thiếp đau từng khúc ruột". Lã Bố nghe tiếng nói giận hờn của người đẹp, lòng mềm nhũn và tan nát. Chàng đắm đuối nhìn người yêu. Vừa lúc ấy, Ðổng Trác bước vào. Ðiêu Thuyền chải đầu. Lã Bố khoanh tay đứng im, miệng nói: "Con đến hầu cha". Ðổng Trác cho Lã Bố về. Lão cáo bệnh, không vào triều; lão ở nhà, ngày đêm không rời Ðiêu Thuyền. Lã Bố năng đến thăm bệnh cha nuôi. Mỗi lần, Ðiêu Thuyền lại rơi lệ, con mắt ướt đẫm nhìn chàng như cầu xin chàng cứu nàng khỏi nhà tù vàng son này. Và cũng mỗi lần, Ðổng Trác bảo Lã Bố ra về ngay tức khắc. Một lần, Ðổng Trác còn ngủ mê mệt, Ðiêu Thuyền bảo Lã Bố đi qua vườn, chờ nàng ở Phụng Nghi Ðình. Hai bên gặp gỡ. Ðiêu Thuyền khóc như mưa như gió: "Thiếp tưởng chàng anh hùng có một, không ngờ chàng chịu bó tay; thiếp chỉ còn con đường chết cho hết nhục". Nói rồi, nàng xăm xăm chạy ra hồ sau. Lã Bố níu áo nàng lại. Ðổng Trác, được thị tỳ của Ðiêu Thuyền cho biết nàng đang đi dạo chơi ngoài vườn, vội đi tìm. Thấy Lã Bố níu áo vợ mình, lão cầm cây kích của Lã Bố dựng gần đó, nhắm nghịch tặc lao tới. Lã Bố chạy thoát. Ðiêu Thuyền khóc càng to, nàng oán trách Ðổng Trác: "Thái sư để con trai Thái sư hỗn hào, thiếp chết đi cho khỏi nhục". Nàng định đâm đầu xuống hồ sen thì Ðổng Trác kéo lại, miệng kêu: "Ðể ta giết chết thằng nghịch tặc ấy". Như vậy, mưu kế của Vương Doãn đã được Ðiêu Thuyền thực hiện: Ðổng Trác tin rằng Lã Bố mưu cướp vợ mình, và Lã Bố tin rằng Ðổng Trác đã đoạt vợ mình.
Vương Doãn bày mưu cho Lã Bố giết Ðổng Trác. Ông cho một quan đại thần đến phủ Ðổng Trác nói Ðức Vua đau nặng, đã làm chiếu nhường vị cho Thái sư. Ðổng Trác tin là thật, kéo xa mã vào triều. Bất ngờ, vào đến Cung trong, hàng trăm vũ sĩ tay cầm kích, cầm giáo, phục hai bên nhất tề nhảy ra. Trác mặc áo giáp, nên chỉ bị thương nhẹ ở tay và ngã lăn xuống đất. Lã Bố xông tới, lấy kích đâm trúng cổ tình địch.
Sau này, khi
thành Hạ bị thất thủ, Lã Bố bị Tào Tháo giết chết. Không ai tìm thấy dấu
vết nàng. Các nhà viết sử đặt câu hỏi không có lời giải đáp: Nàng đã
ẩn mình nơi đâu?
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn